Chúng ta chỉ có một mình

Written by
auth-avtHieu.BuiMinh
Published onDecember 30, 2024
Views0
Comments0
Sư Giác Nguyên

"Chúng ta rất cần một chỗ để quay về; vì sao vậy? Vì trong cuộc đời gió mưa này, chúng ta vốn dĩ là cô đơn. Cô đơn trong cái dòng luân hồi thăm thẳm, cô đơn ngay trong cái đời sống này. Kể từ lúc lọt lòng mẹ, rồi chúng ta vào đời, chúng ta có gia đình, chúng ta có sự nghiệp, rồi chúng ta có tuổi, chúng ta đi vào quan tài; trước sau chỉ có một mình thôi.

Cho dù chúng ta có vợ, có chồng, cho dù chúng ta có tình yêu, có sự nghiệp, chúng ta có con cái, có bạn bè láng giềng, nhưng mà xét cho cùng, trong bóng tối của cuộc đời, mỗi người chỉ ngồi lại với cái bóng của mình thôi. Tin lời tôi đi, kề vai tựa má là trên hình thức để quay phim chụp ảnh, để mà người ngoài nhìn vào thôi. Nhưng, trong căn bản rốt ráo, mỗi người chúng ta vẫn có mặt trong đời này một mình.

Là nghĩa là sao? Có nghĩa là cái cơn đau của thân mình, cơn đau thân xác và cơn đau tâm lý, không có chồng nào, không có vợ nào sẽ san sẻ cho mình được. Quý vị có hiểu không? Sáng nay, tụi tui đi ra ngoài đầu ngõ, tui mua điểm tâm cho con của tui, tui bị cái bà bán hàng rong bả chửi. Cái bực mình á, tui đâu có chia sẻ cho vợ tui được. Mà nếu mà vợ tui có giận ké thì cái đó là phần của bả, cái phần tui thì nó y nguyên, có hiểu hông? Chỉ một cơn giận với bà bán hàng rong thôi là đã bà xã rồi, tui không có chia sẻ cho tui được.

Rồi tui, tui đạp gai, tui bị mắc xương, bụi vô mắt; rồi tui, tui bị sạn thận, tui bị đau bao tử, blablabla... Tất cả những cái đó, phần ai nấy chịu. Đó là nỗi cô đơn của chúng ta.

Cho nên, tôi gọi là cuộc đời mưa gió này. Trên hành trình vạn lý của đời sống nói riêng và của dòng sinh tử nói chung, trên cái hành trình mưa gió đó, chúng ta trước sau chỉ có một mình. Và mỗi người cần có một mái nhà để mà quay về. Cái mái nhà đó đã được Đức Phật nói rất rõ trong kinh Chuyển Pháp Luân, Trường Bộ. Ngài nói rằng toàn bộ thế giới này nó chỉ là cái chỗ hiện hữu của 6 căn, 6 trần thôi.

Có nghe kịp không? Tôi hỏi các vị, tôi hỏi từng điều, như là tôi nói chuyện với đám mẫu giáo nha. Tôi cầm cái ly nước này lên, tôi uống rồi tôi để xuống, có phải là 6 căn của tôi đang làm việc không? Hình như tôi có hỏi rồi nha, bữa nay ôn lại. Tôi nhìn quý vị mà tôi giảng, có phải là 6 căn đang làm việc không? Các vị thương, nhớ một người, căm, nhẫn một người, cũng là 6 căn đang làm việc đúng không?

Các vị đi xe, đi máy bay, các vị bơi lội, các vị lội suối, lội sình, không có việc làm nào, nói cười buồn vui, mà không là hoạt động của 6 căn. Cho nên, nói gọn lại, nói chốt lại, nói túm lại, thì toàn bộ đời sống của mình, nó chỉ là những cái chuỗi giây phút vận hành hoạt động của 6 căn.

Cái vấn đề lớn của chúng ta là gì? Là chúng ta buông trôi, thả nổi và bỏ ngỏ cái hoạt động của 6 căn, lâu ngày thành nết và thành nếp, đi lâu thì thành đường. Xưa nay, mình không bao giờ có dịp để ý xem coi mắt, tai, mũi, lưỡi của mình nó đang hoạt động theo cái hướng nào.

Tôi nói lại một lần nữa, bất cứ ai trước mặt tôi tại đây và bây giờ, không thấy rằng bản thân mình, cục thịt mấy chục kí lô này, là của nợ, thì đừng hòng nói đến chuyện tu hành. Các vị đừng có nói với tôi các vị quy y với ngài Kim Triệu, ngài Tịnh Giác, ngài Hộ Pháp, ngài Viên Minh, ngài Giác Chánh, ngài Khippapanno blabla... Các vị đừng có khoe tôi cái đó.

Tôi muốn hỏi một câu thôi: Các vị đi tắm, đi ăn, đi rửa mặt, thay áo quần, quý vị thấy cái cục nợ này nó là của nợ hay không? Nếu mà thấy cái thân này nó là của nợ á, thì cái chuyện tu hành mình nó mới kết quả. Tui biết, có lẽ các vị ít bao giờ nghe một vị nào lên nói kiểu kỳ cục như vậy. Gặp mặt ổng là ổng cứ kêu mình quán chiếu thân này là của nợ. Là vì sao? Là vì không thấy nó là của nợ, thì mình sẽ thấy nó là một cái gì đó rất là hay ho. Mà khi mình thấy nó là cái gì đó rất là hay ho, thì mình rất dễ bị tổn thương..."

-Sư Giác Nguyên ~ Toại Khanh-

[Chép lại bài giảng của Sư]

Last updated: December 30, 2024