
Đức Phật đã ra đi rồi, nhưng Ngài đã để lại cho mình một ngọn lửa, một ngọn lửa mà nó vẫn âm thầm cháy. Khi nào mình cảm thấy lạnh lẽo với cuộc đời này, thì mình hãy nhớ rằng ngọn lửa của Ngài để lại, nó không tắt trong lòng mình. Ngày nào đó, nếu mình còn cảm thấy ấm áp trong lòng Tam Bảo, thì ngọn lửa của Ngài truyền lại cho mình vẫn còn đó.
Tại sao mình thấy cô độc, tại sao mình thấy lẽ loi, tại sao mình thấy cô đơn, tại sao mình thấy lạnh lẽo? Hãy nhớ rằng ngọn lửa của Đức Phật trao lại cho mình mất rồi, nó đang cháy ở chỗ khác. Tôi vẫn thường nói, tôi vẫn thường nhắc cho các vị nghe câu kinh mà Đức Phật nói cho một vị Tì-Kheo: "Ai thấy pháp là người đó thấy ta", có nghĩa là Đức Phật nói Ngài với Pháp là một. Từ đó, chúng ta có thể suy diễn thêm mà không sai ý Phật, tức là cái khả năng tu học của mình đến đâu thì Đức Phật trong lòng mình Ngài đẹp đến bao nhiêu.
Mà tại sao có một thời gian dài, có một thời gian rất là dài, mình không đi chùa, có một thời gian rất là dài Kinh Điển, Phật Pháp, nó không ảnh hưởng đến tâm của mình? Bởi vì lúc đó Đức Phật trong lòng mình không còn là Đức Phật 32 tướng tốt nữa.
Mình phải học hỏi, mình phải suy tư thế nào đó mà Đức Phật trong lòng mình đủ để lôi kéo mình trở về với đời sống tu học. Lúc đó Đức Phật trong lòng mình là Đức Phật có đủ 32 tướng tốt. Còn có lúc mình không muốn đi chùa nữa, là bởi vì mình hãy nhớ rằng Đức Phật trong lòng mình đã có vấn đề. Người Tàu họ có nói: "Mê Phật bất độ thủy, mộc Phật bất độ hỏa, kim Phật bất độ lô." Ông Phật bằng đất thì kỵ nước, mộc Phật bằng gỗ thì kỵ lửa, kim Phật bằng vàng, bằng kim loại nói chung, kỵ ông thợ bạc, lô là cái lò, lò là thợ bạc.
Tôi kể hoài chuyện bà sư Cô với ông Phật mũi đen nhớ chứ, học Phật bằng một cái tâm hồn như thế nào đó, ông Phật mình không giống Phật người ta. Khi ông Phật mình không giống Phật người ta, thì mình làm biếng tu lắm. Tại sao? Tại vì mình tu dưới ánh sáng của Ngài, mà Ngài không đẹp, thì mình cũng làm biếng tu. Cho tôi nói đẹp trai cũng là một phương tiện để hoằng pháp.
Tôi chưa gặp Đức Phật trong đời tôi, nhưng những gì tôi học về Đức Phật, tôi nghĩ rằng bất cứ lúc nào tôi muốn niệm Phật, tôi nghĩ dễ lắm các vị. Năm sau, tôi dẫn các vị qua một bài kinh, bài kinh đó là một bức tranh vẽ Đức Phật. Có một ông Bà-La-Môn 120 tuổi, mà ổng chấp lắm, ổng tìm hiểu Đức Phật là người như thế nào để ông đi theo, có đáng không. Ổng để ý cách Ngài ăn, thì tôi nhớ bao nhiêu tôi kể các vị nghe.
Đức Thế Tôn khi đi không quá nhanh không quá chậm, khi nói không quá lớn, không quá nhỏ, hội chúng bao nhiêu thì âm thanh Ngài vừa đủ cho bấy nhiêu người nghe. Khi đi đến nhà thí chủ, có thí chủ đứng đó thì Ngài mới bước vào, còn khi thí chủ vắng mặt thì Ngài không có bước vào nhà. Tức là bây giờ mình mời Ngài mà khi Ngài đến trước cửa, mà mình không thấy Ngài, thì Ngài đứng đó, mà mình đi ra mình "bạch Thế Tôn..." thì Ngài mới vô.
Khi Ngài nhận thức ăn, Đức Thế Tôn chỉ nhận vừa đủ số lượng thức ăn Ngài biết là Ngài sẽ ăn hết, chứ Ngài không có nhận dư. Và khi Ngài nhận nước để rửa bát, chính tay Ngài rửa tại chỗ khi ăn xong. Nếu là gia đình thí chủ lớn, còn không thì Ngài phải ôm bát dơ đi dọc đường rửa ở ao hồ, kênh rạch, ruộng đồng đâu đó. Nhưng mà có những gia đình thí chủ có đủ nước để rửa bát, có khi 2 ngàn vị thì vẫn có đủ nước để rửa bát. Trong đó có tả một chi tiết là lúc Thế Tôn ăn không có tiếng động, lúc Thế Tôn rửa bát cũng không có tiếng động, và khi rửa xong, bát sạch cũng là lúc tay sạch và không đổ một giọt nước ra ngoài. Để khi Thế Tôn đứng dậy (từ chuyện Ngài ăn, từ chuyện rửa bát), không để lại một chuyện phiền nhỏ cho thí chủ. Ăn không rớt cơm, rửa bát không rớt nước, đứng dậy rồi chỗ ngồi vẫn khô ráo sạch.
Lúc hội chúng khi có một gia đình thí chủ, mà Ngài tính là Ngài sẽ nói Pháp, Ngài sẽ tùy vào duyên sự của buổi đó mà Ngài nói Pháp và không bao giờ nói quá ngắn để cho người ta phải hụt hẫng, nhưng không nói quá dài để người ta ngán. Đi mắt không nhìn quá xa, nói theo trong kinh là vừa đủ 2 cây cung (đơn vị là thá-nú), nó dài khoảng 1 sãi tay, không nhìn xa.
Khi mà nghĩ đến Đức Phật như vậy thì trong lòng tôi, Ngài rất là đẹp. Buổi sáng, hôm có người để Ngài đi đến để tế độ, Ngài đóng cửa lại. Cửa phòng, bữa nào Ngài không đi đâu, buổi sáng Ngài ra khỏi cổng, Ngài mở cửa ra, ngài A-Nan thấy cửa mở thì mới đi thông báo: "Hôm nay, tất cả chúng ta sẽ đi theo đi bát chung với Thế Tôn". Nhưng hôm nào cửa phòng Ngài đóng, ngài A-Nan sẽ nói với chư Tăng: "Hôm nay các vị muốn đi đâu thì đi", còn ngài A-Nan ngài đứng đó chờ, Đức Phật kêu thì ngài đi, còn không thì ngài ôm bát ngài đi một mình. Đức Phật đặc biệt như vậy đó.
Đó là chưa kể trong kinh nói là Ngài có cặp mắt giống như con bò con, mắt Ngài đẹp. Hồi nhỏ tôi nghĩ sao người ta đem mắt Phật đi so sánh với mắt bò, mà lúc tôi để ý tới nhìn con bò con, tôi nhận thấy mắt bò con nó hiền lắm, nó dễ thương mà không có giận được.
Tôi muốn nói một chuyện, đó là khi mình biết nhiều về Đức Phật (đó là bài kinh nói về Tướng Hảo của Đức Phật), bài kinh đó nói về uy nghi, tế hạnh của Đức Phật, nhưng mà chưa đủ. Mình hiểu về Phật Pháp có nghĩa là như thế này: mỗi khi mà mình có một cơn đóng giận mà mình không control được, mình chỉ cần nhớ là Đức Phật, đối với Ngài, những cơn giận là không còn. Có những lần mà lửa ham dục của mình nó cháy bừng, mình nhớ là Đức Phật không còn cái đó. Các vị hãy tưởng tượng đi, một lần mà mình nhịn, nó khó cỡ nào, mà Ngài đã nhịn như vậy từ vô số kiếp. Khi nghĩ về Đức Phật như vậy thì cái sự niệm Phật của mình nó mới có hiệu quả.
Nói chung, mỗi lần mình gặp chướng duyên, mình phải nhớ Đức Phật. Có một lần, có một vị cứu sĩ bị bệnh nặng, Đức Phật đến thăm (gia đình mời). Đức Thế Tôn Ngài có nói một câu như thế này, bây giờ con chỉ cần nhớ 3 điều:
- Đức Thế Tôn là người đã vượt qua nỗi khổ mà con đang chịu.
- Giáo Pháp là con đường dẫn đến sự chấm dứt nỗi khổ mà con đang chịu.
- Chư Tăng là người đang thực hành con đường dẫn đến sự chấm dứt nỗi khổ mà con đang chịu.
Đây là một kinh nghiệm mỗi lần đau quá, nhớ Đức Phật là người đã vượt qua được nỗi đau này. Giáo Pháp của Đức Phật là con đường dẫn đến sự vắng mặt nỗi đau này, và Tăng Chúng, Tăng Già, Đệ Tử Thế Tôn là người đang đi trên con đường dẫn đến sự chấm dứt nỗi đau này.
Mình truyền đăng-tục diệm
là sao? Mình kế thừa, mình truyền đăng-tục diệm cái ngọn lửa mà Đức Phật đã để lại cho mình.
Cuộc đời nó vốn là lạnh lẽo. Lòng người là lạnh lẽo, cuộc đời là lạnh lẽo, là tăm tối. Thì cái quan trọng đó là, lúc nào mình cảm thấy trong lòng mình vắng mất ngọn lửa đó và mình không thấy được, thì mình hãy nhớ là tại sao mình còn tha thiết tới chùa, tha thiết với Tam Bảo. Lúc đó, mình hãy nhớ là lúc nào trong lòng mình cũng có một Đức Phật.
Đời tu mình ra sao cũng được, nhưng mà hãy nhớ là dù mình có phạm lỗi lầm gì, thì cái thời gian mình phạm lỗi lầm cũng chỉ là 10 mấy 20 phút thôi. Nhưng mà cái quan trọng nhất là ngọn lửa đó. Nếu mà mình không được 100%, thì trong 1 ngày mình cũng dành cho Đức Phật 5-3 tiếng đồng hồ. Ngọn lửa đó của Ngài cháy trong lòng của mình, thì coi như là mình đã làm được Bài kinh thừa tự. Đức Phật đã nói rằng, hãy là người thừa tự Pháp, đừng là kẻ thừa tự tài sản của Như Lai.
Thì Ngài Xá-Lợi-Phất có giảng rằng, thừa tự Pháp có nghĩa là Đức Phật là bậc đạo sư của mình. Ngài sống, ngày tán thán hạnh viễn ly (hạnh một mình), thì mình Đệ Tử cũng hành cái hạnh viễn ly vì Đức Phật dạy cái nào cần bỏ thì bỏ...
-Sư Giác Nguyên ~ Toại Khanh-
[Chép lại bài giảng của Sư]