
...Đến chết không quên. Thì một vị La Hán cũng có những cái chỗ mà nhớ hoài suốt đời, đó là cái chỗ mà mình đã đi xuất gia, cái chỗ mà mình hiểu được Tứ Đế, cái chỗ mình chứng được quả vị La Hán. Quá quan trọng! Ở đây cũng vậy, đối với Thế Tôn, Ngài không cần nhớ những cái chỗ đó trong đời Ngài, nhưng mà người khác mà nhớ được những chỗ này, thì coi như công đức không thể nghĩ bàn. Mình chỉ cần nghĩ rằng, trên đời này, có một con người mà thương được người dưng đã hiếm, mà thương được cả kẻ thù thì càng hiếm hơn. Vì kẻ thù, vì người thương, vì muôn loài chúng sanh mà dấn thân vào lửa đạn, suốt hằng hà sa số đại kiếp để trau dồi các hạnh lành, cuối cùng trở thành một vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Mà hàng triệu tỷ, tỷ, tỷ, tỷ, tỷ kiếp trái đất mới có một con người như vậy ra đời; khó quá, làm sao mà có nhiều được?
Mà cái con người đó, khi mà ra đời rồi, cái gì Ngài cũng biết, ai Ngài cũng thương, hạnh lành nào Ngài cũng có. Ngài có ở cái hàng Top, và đây là Lumbini (Lâm Tỳ Ni). Đây chính là cái chỗ con người ấy chào đời. Đây là Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), đây chính là cái chỗ mà con người ấy từ phàm sang thánh, trở thành một bậc Tứ Sanh Từ Phụ, Thiên Nhân chi Đạo Sư, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Phật, Thế Tôn. Và đây chính là Sarnath (Lộc Uyển), chỗ mà đấng Thế Tôn ấy đã thuyết pháp thoại đầu tiên, giống lên tiếng trống bất tử để tế độ quần sanh đang mê ngủ. Và đây là Kusinara, đây là cái chỗ mà cái nhân cách vĩ đại ấy, vào một buổi sáng tinh sương, đã phủi tay, vũ áo, lên đường và không bao giờ quay lui nữa. Đây là cái chỗ mà vị ấy có mặt lần cuối cùng, lần cuối cùng, một nhân cách vĩ đại như vậy. Một con người đã đi qua một hành trình thiêng liêng, thần thánh như vậy, và cuối cùng, mọi thứ kết thúc ở đây.
Đó, 20 A-tăng-kỳ, 100.000 đại kiếp, đó cũng kết thúc ở đây. 30 hảo tướng, 80 tướng phụ, 6 màu hào quang, nhất thiết chủng trí, kết thúc ngay cái góc Sa La này, trong cái khu vườn này, bên cái gò đất này. Nhìn cái đó, sao không ứa lệ được? Thì nếu mà đứng trước 4 chỗ động tâm mà nghĩ tưởng về Thế Tôn, mà nghĩ tưởng như vậy mới là công đức. Có đâu mà vô duyên như nhiều phái đoàn Việt Nam, cứ tới đất Phật làm một chuyện mà tôi không thể nào tưởng tượng, bất khả tư nghị, tức là không thể nghĩ bàn.
Đó là hè nhau, ông đi trước, bà đi sau, đứng trên đất Phật Thích Ca Mâu Ni mà hè nhau: "Nam mô A Di Đà Phật." Tôi không phủ nhận Phật nào hết, nhưng mà tôi thấy nó hơi lạ: cứ tới Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà niệm "Nam mô A Di Đà Phật" là sao? Khổ thay, cái tinh thần tu tập theo pháp môn Tịnh Độ, lại không hề có trong lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tu mà cầu người khác xòe tay kéo về để tiếp dẫn cho vãng sanh, thì cái kiểu đó chưa hề có được.
Nói chung là, mình đứng trước tiệm thuốc Bắc mà cứ niệm: "Nam mô Penicillin và Tifovicin," thì nó kỳ quá nha. Ở trong tiệm thuốc Bắc là phải đổ trọng, xuyên cung, táo tàu, hoài sơn, câu kỷ; chứ có đâu mà đứng trước tiệm thuốc Bắc mà niệm "Nam mô Penicillin" là lộn hàng nha!
Tôi không hề có cái ý phân biệt kỳ thị, làm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tín hữu tôn giáo. Nhưng mà tôi chỉ trách một chỗ là: bà con làm ơn, đi đâu cho ra đó.
Tôi nhớ có một cái giai thoại mà tôi được nghe trực tiếp từ những nhân chứng sống nha. Là năm 1978, khi Thanh Nga bị bắn chết á, có một số fan hâm mộ kéo nhau vô Bệnh viện Grall Đồn Đất, rồi nhào tới ôm cái xác Thanh Nga khóc như là cha chết. Họ cúng bái, trái cây, nhang đèn, khóc gật gà gật gù. Mà cái xác Thanh Nga thì phủ một cái miếng lụa trắng. Họ khóc lóc sụt sùi, có người xỉu lên xỉu xuống. Cuối cùng, nhân viên bảo vệ cho biết là cái xác Thanh Nga không nằm bên trong đó. Cái xác mà họ khóc nãy giờ là của một bà kia, bị xe đụng mới vừa đem vô.
Thế là coi như khóc lộn. Các vị biết không, chuyện vậy mà nó xảy ra ở Bệnh viện Grall á, năm 1978. Khóc một bữa vật vã, coi như lệ ướt cả sân bệnh viện, mà cuối cùng là khóc nhầm cái xác của cái bà cố nào đó bị xe cán ngoài đường, còn Thanh Nga thì nằm ở trong, lạnh lẽo hiu quạnh, không ai dòm ngó gì hết.
Thì cái thảm cảnh đó nó được lặp lại khi mà đa phần bà con ở Việt Nam sang Ấn Độ. Tức là cái xác Thanh Nga thì bị bỏ mặc đó, mà cứ đi ôm cái bà bị xe tông mà khóc. Nghĩ coi, có phải là tang thương ngẫu lục không?
Cho nên thôi thì á, bài kinh này đó, muốn tán là tán tới Tết cũng chưa có hết. Là vì sao? Là vì không có đơn giản đâu quý vị! Bài kinh này không phải đơn giản là ngài kêu mình đi hành hương nghe nói bốn chỗ này. Nhưng mà cái chiều sâu ở đây là gì? Là cho mình thấy rằng: con thấy chưa, một cái nhân cách vĩ đại, thiêng liêng, hoành tráng, khí thế như là một đấng Phật Đà vô thượng, Thiên Nhân Sư vậy mà hễ có sanh thì phải có trụ thì dĩ nhiên phải có diệt. Nhớ nha, cái sanh, trụ, diệt đó là cái nguyên tắc đương nhiên và dĩ nhiên của vạn hữu. Đọc cái này, mới sốc.
Tùy người đức tin nhiều thì cứ nhào tới khóc rồi bỏ tiền đi Ấn Độ. Nhưng mà nếu thêm một cái trí nữa, mình thấy cái nội dung thứ hai nằm giữa hai hàng chữ. Thì ra, ngài nhắc khẽ cho mình: con thấy chưa, ta có ra đời, ta có thành đạo, ta có chuyển pháp luân, nhưng mà cuối cùng là sao con? Ta đi mất, ta không về nữa nha. Sâu là sâu chỗ đó đó.
Và trước khi ngài Niết Bàn, ngài nói cái gì? Ngài hỏi chư tăng: "Ở đây có ai thắc mắc gì hỏi ta? Nếu vị nào vì lòng kính sợ đạo sư thì hãy nhờ bạn bè hỏi giùm." Thế Tôn hỏi ba lần, chúng tăng im lặng.
Thì ngày hôm nay mới tán tháng là chúng tăng hoàn hảo. Phật nói: "Ở đây, vị thấp nhất á, cũng là Tu Đà Hoàn, nên không còn thắc mắc về Phật pháp."
Nói rồi, Phật im lặng. Rồi Phật mới nói một câu cuối cùng này các vị Tì Kheo: "Mọi thứ ở đời đều là vô thường. Hãy tinh tấn, chớ có dễ vui."
Cái chữ "mọi thứ đều là vô thường" đó, mọi thứ là vô thường, cái này nó sâu kinh hoàng lắm...
-Sư Giác Nguyên ~ Toại Khanh-
[Chép lại bài giảng của Sư]